Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát là ai?
Phật Bà Quan Âm chính là hiện thân của lòng từ bi, yêu thương và sẵn sàng cứu rỗi chúng sanh thoát khỏi bể khổ trần gian của Chư Phật, Bồ Tát.
Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát đã trở thành Phật, nhưng vì hạnh nguyện từ bi muốn cứu rỗi chúng sanh đau khổ nên khi thì Ngài trụ ở cõi Tây Phương Cực Lạc, làm thị giả truyên chánh pháp cho Đức Phật A Di Đà hoặc khi thì hiện thân thành Bồ Tát để cứu độ chúng sanh ở cõi Ta Bà.
Quan Thế Âm chính là vị Bồ Tát được biết đến và tôn thờ nhiều nhất trong Phật giáo Đại Thừa, nhất là tại Việt Nam, chúng sanh khi gặp khổ đau mà thành tâm niệm danh hiệu của Ngài ” A Di Đà Phật Quán Thế Âm Bồ Tát” sẽ được Ngài quán xét âm thành mà hiện thân cứu độ.
Mời quý Phật tử hoàn hỷ chiêm ngưỡng hình ảnh mẫu tượng Phật Bà Quan Âm đứng cao 3,16m rất đẹp
*. Các vị Bồ Tát là những bậc được kết tinh bởi đức hạnh cao quý tuyệt vời của đức Phật và được thánh hóa để trở thành nhu cầu của quần chúng. Nếu như con người ở một thời đại nào đó khao khát tri thức, trí tuệ thì tính chất trí tuệ được thánh hóa và đặt lên hàng đầu với hình tượng biểu trưng là Bồ Tát Văn Thù. Ngược lại, khi nhân loại đang cần tình thương và sự che chở bảo hộ, cần một bàn tay hiền từ, tươi mát tưới tẩm, cảm thông và xoa dịu nỗi đau thương tang tóc trong cuộc sống thì hình ảnh Quán Thế Âm Bồ Tát lại được thánh hóa để làm chỗ nương tựa cho tâm hồn của họ.
*. Có thể nói, hai vị Bồ tát kể trên cũng là biểu tượng đặc trưng cho chất liệu “từ bi và trí tuệ”, một triết lý trác tuyệt tiềm ẩn xuyên suốt toàn bộ hệ thống kinh điển của Phật giáo. Đặc biệt, hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm, biểu tượng của tình thương bao la vô bờ bến, là đấng mẹ hiền trên tất cả mẹ hiền, trên tất cả thánh nhân được tôn xưng là mẹ hiền, Đức Mẹ luôn được người đời kính ngưỡng bởi hạnh nguyện từ bi, ban vui và cứu khổ không mệt mỏi, không giới hạn và luôn được đức Phật nhắc đến trong các kinh điển Đại Thừa.
*. Quán Thế Âm, tiếng Phạn gọi là Avalokitévara, Nghĩa là vị Bồ Tát quán sát âm thanh đau khổ của thế gian kêu cầu mà cứu độ một cách tự tại. Do Ngài quán sát âm thanh một cách tự tại mà chứng được bản thể chân thường của vũ trụ. Nơi nào, lúc nào trong vũ trụ có tiếng chúng sinh đau khổ, kêu cầu thì Ngài hiện thân cứu độ rất tự tại, cho nên Đức Mẹ cũng có tên là Quán Tự Tại, Quán Thế Tự Tại…
*. Bồ Tát, nói cho đủ là Bồ đề Tát Đỏa, tiếng Phạn là Bodhisattva, nghĩa là giác hữu tình hay hữu tình đã giác ngộ, trở lại giác ngộ hữu tình khác. Ví như có nhiều người đang ngủ mê, có một người tỉnh thức, người ấy đánh thức những người còn lại đang ngủ mê. Người tỉnh thức đó gọi là bậc giác ngộ như chư Phật, Bồ Tát, kẻ ngủ mê là chúng sinh. Bồ Tát Quán Thế Âm được ví như Người đánh thức những người đang ngủ mê trong ngôi nhà đó.
*. Vì Ngài đã giác ngộ, biết rõ chân lý của vũ trụ, chứng được phép “nhĩ căn viên thông”, nghe thông suốt hết thảy âm thanh của vũ trụ, như người đã thức dậy rồi trong ngôi nhà “vũ trụ” kia, nghe biết hết thảy chân tướng các sự vật, động tịnh trong ngoài. Cho nên chúng sinh nào xưng niệm danh hiệu Ngài liền được Ngài “tầm thanh cứu khổ”, giải thoát khỏi tai ách, hoạn nạn. Ngài đã chứng được bản thể của âm thanh vốn dĩ là không, vô thường, vô ngã nên Ngài thường được tôn xưng là Quán Thế Âm.
*. Quán Thế Âm là vị Bồ Tát quan sát chúng sinh khổ đau trong thế gian mà khởi lòng đại bi, đoạn trừ phiền não, làm cho chúng sinh được an lạc. Ngài là hình ảnh của đại từ đại bi, của tình thương bao la, vì bi nguyện độ sinh, Ngài có thể hóa hiện từ trên thân Phật, dưới cho đến thân quỷ dạ xoa, la sát để hóa độ chúng sinh. Chính sự hóa thân đó đã làm cho hình ảnh của Ngài nói riêng, Phật giáo nói chung trở nên năng động và tích cực hơn trong việc cứu khổ độ sinh vậy.