Bất động sản công nghiệp Long An hưởng lợi từ tăng trưởng công nghiệp.

TOÀN CẢNH BẤT ĐỘNG SẢN LONG AN: SỨC NÓNG TỪ BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP

Với quỹ đất rộng, giá thành tương đối thấp, cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng được nâng cấp, Long An đang trở thành điểm đến ngày càng được săn đón của giới đầu tư và người mua thực.

Đón đầu xu hướng bất động sản vệ tinh
Trong vài năm trở lại đây, nổi bật từ giữa đến cuối 2021, xu hướng dịch chuyển về phía Tây trên thị trường bất động sản ngày càng mạnh mẽ. Các đô thị vệ tinh TP.Hồ Chí Minh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An nhận nhiều tín hiệu tích cực với những thay đổi đột phá cả về bất động sản nhà ở lẫn bất động sản công nghiệp.

Với lợi thế là cửa ngõ của 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ, nối liền Đông Nam Bộ và nằm sát vách với TP HCM, Long An được hưởng lợi từ quy hoạch của vùng phía Nam. Ba huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là thành phố vệ tinh của TP HCM trong tương lai, tầm nhìn 2021 – 2030.

So với Bình Dương và Đồng Nai, Long An vẫn còn quỹ đất rộng lớn, song song với đó là hệ thống hạ tầng ngày càng được chú trọng tạo lực đẩy cho bất động sản. Tỉnh đưa ra nhiều chính sách tập trung đầu tư xây dựng, mở rộng nhiều dự án giao thông quan trọng kết nối nội tỉnh và các địa phương khác trong khu vực với nguồn vốn huy động khoảng 30.000 tỷ đồng.

Bất động sản công nghiệp Long An hưởng lợi từ tăng trưởng công nghiệp.
Diện mạo Long An dần thay đổi với sức bật của cơ sở hạ tầng ngày càng được đồng bộ và bất động sản công nghiệp
Hàng loạt công trình mới được xây dựng điển hình như tuyến ĐT 823D có chiều dài 14,2km kết nối Long An – TP HCM vừa được khởi công. Nhiều tuyến kết nối liên vùng được đầu tư như mở rộng quốc lộ 1, quốc lộ 50; xây cao tốc Đức Hòa – Chơn Thành (Bình Phước), cao tốc An Sương – Bến Lức – Tân An, Vành đai 3, Vành đai 4…

Tuyến đường metro Bến Thành – Tân Kiên và đường sắt TP HCM – Long An – Cần Thơ đang nghiên cứu đầu tư tạo lợi thế tích cực cho Long An. Đặc biệt, cảng quốc tế Long An đang được xây dựng với tổng số vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. Đây cũng chính là đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa với kỳ vọng đưa Long An trở thành trung tâm logistics quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khi đi vào hoạt động, cảng sẽ giúp lưu thông hàng hóa cả miền Tây liên kết các cụm công nghiệp, khu kinh tế, quốc lộ, đường cao tốc thuận lợi.

Sự đầu tư của các tuyến cao tốc trở thành động lực giúp hoạt động giao thương liên tỉnh và khu vực dễ dàng. Từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống xã hội của người dân. Song song với đó tạo cơ hội tăng giá bất động sản và thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Nếu trước đây giá đất Long An chỉ 3 – 5 triệu đồng/m2, tại khu vực trung tâm từ 8 – 12 triệu đồng/m2 thì hiện nay có sự tăng trưởng theo từng nhịp.

Tầm nhìn khu siêu kinh tế
Long An ngày càng tạo sức hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Tính đến cuối tháng 11/2021, tổng vốn đầu tư đạt 3,76 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký cả nước. Tổng số dự án đăng ký trên địa bàn tỉnh là 1.124 dự án, vốn đăng ký 9.334,5 triệu USD. Con số nổi bật nhất phải kể đến là 588 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện khoảng 3.624 triệu USD. Long An đã thành công thu hút đến 1.079 dự án FDI với vốn đăng ký hơn 6,6 tỷ USD và có tới 588 dự án đã được thực hiện với tổng vốn hơn 3,6 tỷ USD.

Nhiều khu công nghiệp trọng điểm được kêu gọi đầu tư như: Khu kinh tế cửa khẩu Long An, Các KCN Phú An Thạnh, Việt Phát (918ha), Prodezi (400ha); Trung tâm nghiên cứu sinh học Đồng Tháp Mười (83ha); khu tiếp nhận kho vận – logistics tại Cảng quốc tế Long An (147ha); trung tâm kho vận và dịch vụ logistics ở Bến Lức.

Bất động sản công nghiệp Long An hưởng lợi từ tăng trưởng công nghiệp.
Ngoài ra, đề xuất quy hoạch khu siêu kinh tế được Ban quản lý Khu kinh tế Long An công bố tháng 4/2021 cũng được đánh giá là lực đẩy mạnh mẽ nhất cho thị trường bất động sản Long An.

Dự án nằm trong quy hoạch phát triển địa phương giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ trình các bộ ngành, Chính phủ xem xét. Khu kinh tế này gồm toàn bộ huyện Cần Giuộc và một phần huyện Cần Đước, dự kiến xây dựng trên nền tảng một số khu công nghiệp, công nghệ cao có sẵn như Long Hậu, Đông Nam Á, Tân Kim, Tân Tập, khu công nghiệp Nam Tân Tập, khu công nghiệp Cầu cảng Phước Đông… Dự án gồm 7 khu chức năng, gồm khu đô thị vệ tinh 1 (Cần Giuộc); khu đô thị vệ tinh 2 (Cần Đước); khu đô thị giáo dục, y tế, thể dục thể thao; khu đô thị phụ trợ; khu công nghiệp – cảng biển quốc tế; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khu đô thị sinh thái.

Khi hoàn thành, đây sẽ là một trong những khu kinh tế lớn nhất khu vực Nam Bộ. Quy mô dự án cũng tương đương một số khu kinh tế thế giới như Aqaba (Jordan, 37.500 ha) và các khu kinh tế lớn của Trung Quốc như Tô Châu (28.800 ha), Thiên Tân (46.000 ha), Bắc Kinh (22.500 ha) và Thanh Đảo (27.410 ha).

Sự phát triển của bất động sản công nghiệp đã tạo điều kiện thu hút chuyên gia lao động, lực lượng công nhân sinh sống. Điều này cũng thúc đẩy sự hình thành của những khu đô thị tích hợp đa tiện ích đáp ứng đủ nhu cầu sinh sống, lao động, vui chơi – giải trí của người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống. So sánh với mức tăng trưởng của Bình Dương và Đồng Nai là những thủ phủ công nghiệp của cả nước thì Long An đầy triển vọng là trạm dừng chân tiếp theo trong thời gian tới, đặc biệt tại các vị trí tốt như Tân An, Đức Hoà, Bến Lức.

Cơ hội cho nhà đầu tư và người mua ở
Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch của Covid 19, theo báo cáo của DKRA, trong tháng 11/2021, nguồn cung đất nền mới tập trung chủ yếu tại thị trường tỉnh Long An, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid với xu hướng work from home (làm việc từ xa) đã rút ngắn khoảng cách địa lý.

Cùng với đó nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày được nâng cao, mong muốn sở hữu không gian sống trong lành, chan hòa thiên nhiên được ưu tiên hàng đầu. Long An ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp như Trần Anh, Cát Tường Đức Hòa, Nam Long. Các khu Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc giàu tiềm năng phát triển những dự án trung cao cấp, phục vụ người lao động tại các khu công nghiệp. Cũng theo mục tiêu đề ra của tỉnh trong giai đoạn 2020 – 2025 sẽ có thêm 3 triệu căn nhà ở, toàn tỉnh Long An có 19 đô thị gồm: 1 đô thị loại II, 6 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V.

Bất động sản công nghiệp Long An hưởng lợi từ tăng trưởng công nghiệp.
Vùng đất nhiều tiềm năng đang chờ được khai phá, điểm đến của những nhà đầu tư dài hạn
Long An đang sở hữu nhiều lợi thế, trong đó phải kể đến quỹ đất rộng với giá thành thấp, không có hiện tượng sốt đất ảo như những khu vực khác. Tuy nhiên người mua cũng cần cẩn trọng trước những thông tin quy hoạch và pháp lý. Với dòng tiền đổ vào đất nền không nên dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều, đầu tư dài hạn thay vì lướt sóng. Sự phát triển kinh tế – xã hội tại những vùng như Long An đang trong giai đoạn phát triển, điều này tạo điều kiện cho những nhà đầu tư có số vốn ít, với mức giá dưới 1 tỷ đồng, nhà đầu tư đã có thể sở hữu mảnh đất như mong muốn.

Xem thêm:

Ban quản lý các khu công nghiệp Việt Nam.

DANH SÁCH KHU CÔNG NGHIỆP LONG AN (CẬP NHẬT 2022)

DANH SÁCH KHU CÔNG NGHIỆP MIỀN NAM CẬP NHẬT 2022

https://rongdat.net/bat-dong-san/https-rongdat-net-khu-cong-nghiep-khu-cong-nghiep-duc-hoa-3-slico-long-a/


Bài viết không được phép copy.