Bình Dương, 25 năm chính quyền kiến tạo, doanh nghiệp đồng hành

Từ một tỉnh có nền kinh tế thuần nông giữa thập niên 90, sau 25 năm xây dựng và phát triển, với sự nỗ lực của nhiều thế hệ lãnh đạo, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2021 đạt 408.861 tỷ đồng, gấp 104,3 lần so với năm 1997, trong đó, nông nghiệp tăng 14,2 lần, dịch vụ tăng 112,2 lần và công nghiệp tăng 140,6 lần. Qua đó đưa Bình Dương trở thành tỉnh có thu nhập trung bình cao với GRDP bình quân đầu người 7.000 USD/người/năm, là một trong những địa phương dẫn đầu trên cả nước.

Chiến lược “Không đi một mình”

Trong giai đoạn mới tách tỉnh, việc lựa chọn mô hình phát triển phù hợp đóng vai trò rất quan trọng đối với Bình Dương. Giai đoạn này, với những chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước, hệ thống các khu công nghiệp (KCN) đang được xây dựng và mở rộng nhanh chóng, tạo cơ hội là ngang bằng cho tất cả các địa phương. Với vị trí địa lý thuận lợi nằm ở phía Bắc TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương đã nắm bắt cơ hội, bắt đầu phát triển các KCN tại những khu vực tiếp giáp TP.Hồ Chí Minh nhằm tận dụng hệ thống thương mại, dịch vụ và tiện ích xã hội  của TP.Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp và các KCN ở vị trí xa TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương cần tìm kiếm một mô hình mới tổng thể và toàn diện hơn, giúp không chỉ phát triển công nghiệp đơn lẻ mà còn phát triển hệ thống dịch vụ, đô thị nhằm tạo ra môi trường đáng sống cho nhà đầu tư (NĐT), người lao động và cả những người dân xung quanh.

Xác định rõ các yếu tố đó, với cầu nối là Chính phủ hai nước Việt Nam và Singapore, cùng sự nhiệt tình, năng động của lãnh đạo tỉnh thời kỳ này, Công ty liên doanh TNHH KCN Việt Nam – Singapore (VSIP) được hình thành giữa doanh nghiệp nhà nước đầu tàu của Bình Dương và đối tác Singapore. Đây là một bước đi chiến lược với một đối tác uy tín, có kinh nghiệm triển khai các dự án quy mô quốc tế, đặc biệt có nhiều kinh nghiệm và uy tín trong công tác thu hút, xúc tiến đầu tư công nghiệp ở quy mô toàn cầu. Điều đó đã giúp Bình Dương học hỏi phát triển công nghiệp của Singapore, không chỉ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng mà còn cách thức xúc tiến thương mại, mở rộng hệ thống tiếp thị và xúc tiến đầu tư. Tuy nhiên, việc hợp tác với các đối tác nước ngoài để chuẩn hóa quá trình xây dựng, vận hành KCN cũng như xúc tiến thu hút đầu tư về Bình Dương là chưa đủ. Thời kỳ này, việc phê duyệt và cấp phép các dự án cho NĐT còn diễn ra rất chậm, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của tỉnh.

Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Bình Dương đã tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng mô hình Ban quản lý các KCN đầu tiên trên cả nước. Mô hình này ngay lập tức phát huy hiệu quả, tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), giúp xây dựng  hình ảnh thân thiện của chính quyền trong mắt các NĐT. Việc hình thành mô hình Ban quản lý các KCN giúp đẩy nhanh quá trình cải cách TTHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh, minh bạch, nhằm giảm thiểu chi phí và thời gian của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế là một chủ trương lớn của tỉnh.

dd 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến trao chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào Khu Công nghiệp VSIP III, tỉnh Bình Dương (tháng 3/2022)

Sự ra đời của liên doanh KCN Việt Nam – Singapore đã mang đến cho tỉnh Bình Dương một góc nhìn mới, mô hình chuẩn mới, dần hình thành khái niệm “phát triển không chỉ có công nghiệp”. Các KCN sẽ không thể tồn tại một các bền vững nếu như đan xen với nó không có các khu đô thị cao cấp phục vụ nhu cầu của các NĐT, các khu nhà ở xã hội phục vụ người lao động có thu nhập thấp và các khu tái định cư phục vụ những người dân trong diện đền bù giải tỏa. Ngoài ra còn là hệ thống các dịch vụ tiện ích xã hội như y tế, trường học, dịch vụ xã hội khác.

Trong khuôn khổ một liên doanh sẽ không thể thực hiện hết tất cả các nhiệm vụ nêu trên, trong đó có bao hàm cả nhiệm vụ chính trị và hy sinh cho trách nhiệm xã hội. Nhận thức điều đó, những doanh nghiệp nhà nước đầu tàu của tỉnh Bình Dương đã học hỏi, đúc kết được mô hình phát triển công nghiệp của Singapore, từ đó bổ sung và tùy chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung, nhằm tổng kết hóa mô hình chuẩn phù hợp với Việt Nam để chia sẻ, nhân rộng ra cả nước.

Hệ sinh thái Công nghiệp – Dịch vụ – Đô thị

Từ kinh nghiệm mô hình liên doanh KCN Việt NamSingapore (VSIP), Bình Dương nhận thấy đây hoàn toàn là mô hình phù hợp để tỉnh có thể mở rộng việc phát triển ở các khu xa TP.Hồ Chí Minh mà vẫn đảm bảo được sự phát triển bền vững, đồng thời góp phần củng cố, chỉnh trang đô thị theo hướng quy hoạch hiện đại, bài bản, đan xen với các KCN đạt chuẩn xanh, khang trang và bền vững.

Do đó, Bình Dương quyết định đề xuất xây dựng mô hình Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ – Đô thị Bình Dương (Khu liên hợp) như một mô hình thí điểm cho việc phát triển tích hợp, bao gồm khu đô thị, KCN, khu thương mại, dịch vụ giải trí chất lượng cao, khu dân cư, tái định cư cho người dân,… Khu liên hợp là một ý tưởng táo bạo đột phá, một chủ trương lớn nhằm thay đổi toàn bộ cách thức thu hút, kêu gọi đầu tư của tỉnh Bình Dương, bao gồm việc thống nhất trong quản lý đầu tư, mời gọi đầu tư cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ. Qua đó, dần hình thành chiến lược thu hút đầu tư dựa trên việc xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh phục vụ mọi nhu cầu của NĐT trong và ngoài nước.

Khu liên hợp được hình thành nắm giữ vai trò chiến lược rất lớn đối với sự phát triển của Bình Dương. Bên cạnh lõi trung tâm là khu đô thị Thành phố Mới Bình Dương, Khu liên hợp còn bao gồm 07 KCN xung quanh. 07 KCN này được hình thành với tỷ lệ lấp đầy cao tạo đòn bẩy và bắc cầu cho việc dịch chuyển phát triển công nghiệp từ phía Nam lên khu vực giữa và phía Bắc của Bình Dương. Sau khi hình thành quần thể công nghiệp tại Khu liên hợp, tạo ra bước đệm cho việc phát triển các KCN mới về phía Bắc như KCN Becamex Mỹ Phước 1, 2, 3, 4 và xa hơn nữa là KCN Bàu Bàng, Bàu Bàng mở rộng và hiện này là KCN VSIP III vừa mới được khởi công.

Sau quá trình phát triển, Khu liên hợp đã khẳng định vai trò lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực xung quanh, trực tiếp tái cấu trúc khu dân cư nông thôn trước đây và quy hoạch lại hiện đại. Các khu đô thị cao cấp cho các chuyên gia, khu nhà ở xã hội, khu tái định cư, hệ thống đường giao thông cũng như thu hút các NĐT đã tạo ra sự thay đổi toàn diện, mang lại cuộc sống thịnh vượng hơn cho người dân.

Trong quá trình thu hút đầu tư và phát triển Khu liên hợp, Bình Dương cũng đã nhận thấy những bất cập và sự cần thiết trong cải cách TTHC, phục vụ người dân và đặc biệt là NĐT. Vì vậy, trong giai đoạn đầu của dự án, Bình Dương đã tập trung vào việc cải cách và hình thành Trung tâm hành chính tập trung, Khu Triển lãm Hội nghị tỉnh Bình Dương, với mong muốn đóng góp vào việc hiện đại hóa nền hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như chào đón NĐT nước ngoài.

Các KCN trở thành đòn bẩy để thu hút đầu tư, phát triển thương mại dịch vụ, việc thu hút các NĐT và người lao động tới Bình Dương tạo ra thị trường cho việc phát triển thương mại và dịch vụ. Các KCN tại Khu liên hợp được phát triển theo mô hình của Singapore, thân thiện với môi trường, nhờ vậy tỷ lệ lấp đầy cao, thu hút được nhiều ngành công nghiệp sạch.

Bình Dương đã hợp tác với nhiều đối tác quốc tế như Tokyu (Nhật Bản), Sembcorp (Singapore),… để phát triển các khu đô thị kiểu mẫu, chất lượng cao cho các NĐT, chuyên gia. Các khu tái định cư, ổn định cuộc sống, tạo công ăn việc làm, môi trường sống và làm việc mới cho những người dân trong diện đền bù, giải tỏa.

Tại thời điểm hình thành KCN VSIP I tại Thuận An và sau này là Khu liên hợp, các doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh đã đồng hành, phát triển, và mở rộng quốc lộ 13. Đây là trục giao thông đầu tiên quan trọng kết nối hạ tầng làm đòn bẩy cho việc kết nối hệ thống KCN của Bình Dương với sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi hình thành quy hoạch giao thông vùng, tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn – Bàu Bàng tiếp tục được hình thành để hoàn thiện trục giao thông kết nối về cảng biển, sân bay quốc tế như sân bay Long Thành, cảng Cái Mép – Thị Vải.

Bên cạnh đó là các tuyến đường theo trục ngang, kết nối nội tỉnh như DT743, DT746, Bắc Tân Uyên – Phú GiáoBàu Bàng,… và một số đoạn của tuyến Vành đai 3, Vành đai 4, tạo nên hệ thống giao thông liên kết vùng, kết nối các KCN  với nhau và kết nối hệ thống các KCN tới các cảng biển, sân bay quốc tế, tạo thành một quần thể hoàn chỉnh củng cố thêm lợi thế cạnh tranh cho tỉnh. Điều đó đã kéo theo sự phát triển nhanh chóng các KCN lớn, thu hút hàng chục ngàn doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, cùng hàng triệu người dân đến sinh sống, làm việc.

Quốc Hưng (Vietnam Business Forum)

Bài viết không được phép copy.