Lộ trình thực hiện đề án của tỉnh Bình Dương được tính toán qua từng địa phương và bắt đầu triển khai từ năm 2024 đến năm 2030, với mục tiêu dời khoảng 2.900 doanh nghiệp và nhà máy khỏi khu dân cư.
Theo đề án của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương về thực hiện di dời các nhà máy, doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp nằm trong khu dân cư sẽ di dời vào khu, cụm công nghiệp trong những năm tới.
Lộ trình thực hiện đề án của tỉnh Bình Dương được tính toán qua từng địa phương và bắt đầu triển khai từ năm 2024 đến năm 2030, với mục tiêu di dời khoảng 2.900 doanh nghiệp và nhà máy ra khỏi khu dân cư.
Cụ thể, thành phố Dĩ An lên kế hoạch di dời từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2030; thành phố Thủ Dầu Một triển khai di dời từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2030; thành phố Thuận An di dời đến hết tháng 12/2028; thị xã Tân Uyên di dời từ tháng 1/2024 đến 12/2029 và thị xã Bến Cát di dời từ tháng 1/2024 đến 12/2030.
Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho hay số lượng doanh nghiệp phải thực hiện di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là rất lớn, chiếm 71% tổng số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh
Trong số đó, chủ yếu tập trung ở thành phố phía Nam của tỉnh gồm thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An và thị xã Tân Uyên với các ngành nghề phổ biến là sản xuất sắt thép phế liệu, cơ khí, hóa chất, da giày, đồ gốm sứ… Do đó, việc thực hiện chương trình vận động, hỗ trợ di dời, chuyển đổi công năng các doanh nghiệp sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp quy mô lớn không chỉ tránh gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, cháy, nổ trong khu dân cư mà còn góp phần thực hiện điều chỉnh quy hoạch và chỉnh trang đô thị của tỉnh.
Doanh nghiệp bộn bề lo lắng khi di dời
Bình Dương đã có Đề án Di dời doanh nghiệp nằm rải rác trong khu dân cư vào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) từ cách đây 3 năm. Thế nhưng, đến nay, việc di dời vẫn chưa thể thực hiện vì vướng mắc quá nhiều thứ, thậm chí doanh nghiệp có thể bị phá sản. Tại cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp thuộc diện phải di dời vừa diễn ra, các doanh nghiệp nêu ra hàng loạt khó khăn “bủa vây” họ.
Đầu tiên là vấn đề lao động. Ông Lưu Tấn Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Tison cho biết, ngay tại TP. Thuận An, Công ty đã rất khó tuyển công nhân. Nếu phải di dời lên các KCN,CCN phía Bắc tỉnh (giáp Bình Phước), thì việc tuyển dụng càng khó khăn hơn. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí đình trệ sản xuất khi phải di dời đến địa điểm mới.
Có lẽ lo lắng nhất về vấn đề tuyển lao động là các doanh nghiệp da giày. Bà Trương Thị Thúy Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương băn khoăn, các doanh nghiệp đã ổn định sản xuất ở vị trí cũ, khi di dời đến vị trí mới, lao động cũ liệu có đi theo doanh nghiệp. Hiện công nhân đã ổn định nhà cửa, nơi học của con, nếu phải chuyển đến địa điểm mới quá xa, thì họ sẽ bỏ doanh nghiệp. “Việc di dời ồ ạt, nếu không làm không tốt, sẽ kéo theo tình trạng tranh giành lao động”, bà Liên lo ngại.
Lo ngại trên là hoàn toàn có cơ sở khi các doanh nghiệp tại Bình Dương đang thiếu hụt lao động trầm trọng. Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 2.282 doanh nghiệp tại địa phương có nhu cầu tuyển dụng khoảng 80.800 lao động, trong đó cần tuyển 73.000 lao động phổ thông. Trong khi đó, nguồn cung cho thị trường chỉ đạt khoảng 51%. Vấn đề này chắc chắn trở nên bức thiết hơn khi Bình Dương mở thêm nhiều KCN về hướng Bắc giáp tỉnh Bình Phước.
Một khó khăn nữa khiến doanh nghiệp “đau đầu” là phát sinh chi phí liên quan đến vận chuyển, khi quãng đường từ địa điểm mới đến cảng sẽ xa hơn khiến chi phí sản xuất tăng cao hơn. Đại diện một doanh nghiệp gỗ ở TP. Dĩ An cho biết, hiện doanh nghiệp vận chuyển hàng xuất khẩu từ Dĩ An đi TP.HCM hoặc Đồng Nai với quãng đường từ 25 đến 30 km. Khi phải di chuyển đến các KCN giáp Bình Phước, quãng đường sẽ tăng gấp ba lần, chi phí cho mỗi chuyến hàng cũng đội lên rất cao.
Mới đây, tại buổi đối thoạt với các doanh nghiệp đầu Xuân Quý Mão, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhấn mạnh tầm phát triển trong những năm tới của tỉnh là ưu tiến phát triển có chất lượng, hiệu quả, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường để tạo nên sự hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội và tăng trưởng xanh, góp phần xây dựng thành phố thông minh Bình Dương và vùng đổi mới sáng tạo trở thành cực phát triển mới, phù hợp với xu hướng của quốc tế.
Qua đó, để đảm bảo tính bền vững và khả thi trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh đang thực hiện di dời và tái định cư các doanh nghiệp sản xuất vào các khu vực quy hoạch để mở rộng không gian phát triển, thiết lập hệ sinh thái các khu, cụm ngành liên kết, tránh các vùng đô thị tập trung và giảm thiểu rủi ro ô nhiễm môi trường. Trong số đó, tập trung di dời các cơ sở sản xuất tại khu vực phía Nam quanh các đô thị lên khu vực phía Bắc.
Hoàn thành đề án này có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, giúp sắp xếp lại không gian phát triển mới, khắc phục các hạn chế, và khai thác tốt tiềm năng đất đai phục vụ vào các mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới của tỉnh./.
Duy Anh (T/h)
Theo : Báo Môi Trường Và Đô Thị