Khu công nghiệp là khu vực có ranh giới địa lí xác định, không có dân cư sinh sống, được quy hoạch tại những vùng có điều kiện tự nhiên, xã hội thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, trong đó, tập trung các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất hàng công nghiệp.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm khu công nghiệp:
2. Quy hoạch phát triển khu công nghiệp theo quy định pháp luật:
3. Trình tự quy hoạch, thành lập, mở rộng khu công nghiệp :
4. Điều kiện bổ sung khu công nghiệp mới, khu công nghiệp mở rộng vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp :
5. Hồ sơ bổ sung khu công nghiệp mới và mở rộng vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp
1. Khái niệm khu công nghiệp:
Khu công nghiệp là khu vực có ranh giới địa lí xác định, không có dân cư sinh sống, được quy hoạch tại những vùng có điều kiện tự nhiên, xã hội thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, trong đó, tập trung các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất hàng công nghiệp.
Khu công nghiệp do Chính phủ thành lập hoặc cho phép thành lập và được đặt dưới sự quản lÍ trực tiếp của Ban quản lí khu công nghiệp cấp tỉnh. Các doanh nghiệp hoạt động tập trung trong khu công nghiệp (doanh nghiệp khu công nghiệp) được đảm bảo cơ sở hạ tầng hoàn thiện, được cung ứng các dịch vụ hỗ trợ sản xuất và các tiện ích công cộng khác với chất lượng cao và được hưởng nhiều ưu đãi trong chính sách thuế, chính sách xuất nhập khẩu, sử dụng đất đai… của Nhà nước Việt Nam. Nghị định 82/2018/NĐ-CP nêu rõ Khu công nghiệp là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng chính sách ưu đãi áp dụng đối với địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn theo pháp luật về đầu tư. Khu công nghiệp được thành lập tại địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách ưu đãi áp dụng đối với địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo pháp luật về đầu tư. Khu kinh tế là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng chính sách ưu đãi áp dụng đối với địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo pháp luật về đầu tư.
Đối tượng, nguyên tắc và thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư của dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư. Nhà đầu tư, doanh nghiệp có dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế được cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, lao động, thương mại theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, hỗ trợ về tuyển dụng lao động và các vấn đề liên quan khác trong triển khai thực hiện dự án. Ngoài ra, Nghị định bổ sung các quy định về các mô hình Khu Công nghiệp mới: Khu công nghiệp hỗ trợ; Khu công nghiệp sinh thái; Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các nhà đầu tư triển khai trên thực tế để nâng cao khả năng cạnh tranh của các KCN của Việt Nam trong thời gian tới. Nhà nước khuyến khích và có biện pháp hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập mới hoặc chuyển đổi toàn bộ hoặc một phần khu công nghiệp thuộc quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sang hoạt động theo mô hình khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái theo quy định tại Nghị định này. Nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và nhà đầu tư thuê đất, thuê lại đất đã có hạ tầng trong khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái được hưởng các ưu đãi áp dụng đối với đầu tư vào khu công nghiệp, ưu đãi áp dụng theo địa bàn và ngành, nghề theo quy định pháp luật và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ về thủ tục hành chính, tư vấn kỹ thuật, xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin hợp tác đầu tư.
2. Quy hoạch phát triển khu công nghiệp theo quy định pháp luật:
– Căn cứ chiến lược phát triển kinh tế – xã hội; quy hoạch tổng thể quốc gia; quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển khu công nghiệp.
– Quy hoạch khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế được tổng hợp vào Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trường hợp khu công nghiệp đã nằm trong quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì không phải thực hiện thủ tục bổ sung khu công nghiệp vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp.
– Quy hoạch phát triển khu công nghiệp, quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế đã được phê duyệt là căn cứ để xem xét việc đầu tư, thành lập, mở rộng khu công nghiệp; xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phục vụ sự phát triển của khu công nghiệp.
3. Trình tự quy hoạch, thành lập, mở rộng khu công nghiệp :
– Hồ sơ, thủ tục điều chỉnh quy hoạch, bổ sung khu công nghiệp vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10 và Điều 11 của Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Trường hợp điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế thì thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế theo quy định pháp luật về xây dựng.
– Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, bao gồm cả khu công nghiệp trong khu kinh tế thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư, trừ các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sử dụng vốn đầu tư công thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư công.
– Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp thực hiện theo pháp luật đầu tư.
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định thành lập khu công nghiệp, khu công nghiệp mở rộng theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.
4. Điều kiện bổ sung khu công nghiệp mới, khu công nghiệp mở rộng vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp :
– Đối với trường hợp bổ sung quy hoạch khu công nghiệp mới, tổng diện tích đất công nghiệp của các khu công nghiệp đã được thành lập trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã cho các dự án đăng ký đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thuê đất, thuê lại đất đạt tối thiểu 60%.
– Đối với trường hợp bổ sung quy hoạch khu công nghiệp mở rộng trên cơ sở khu công nghiệp đã được hình thành trước đó, phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Khu công nghiệp đã được hình thành trước đó phải có diện tích đất công nghiệp đã cho các dự án đăng ký đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thuê đất, thuê lại đất đạt tối thiểu 60% tổng diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê của khu công nghiệp đó và đã xây dựng, đưa vào sử dụng công trình xử lý nước thải tập trung theo quy định tại pháp luật về môi trường;
+ Khu công nghiệp mở rộng có khả năng kết nối hạ tầng với khu công nghiệp đã được hình thành trước đó.
– Phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
– Có các điều kiện thuận lợi hoặc có khả năng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, triển khai đồng bộ và kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển khu công nghiệp với quy hoạch phát triển đô thị, phân bố dân cư, nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa, thể thao phục vụ công nhân làm việc trong khu công nghiệp.
– Có đủ điều kiện để phát triển khu công nghiệp gồm:
+ Có quỹ đất dự trữ để phát triển và có điều kiện liên kết thành cụm các khu công nghiệp;
+ Có khả năng thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài;
+ Có khả năng cung cấp và đáp ứng nhu cầu về lao động.
– Đảm bảo phù hợp với các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường tài nguyên thiên nhiên và di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh.
– Các trường hợp bổ sung quy hoạch phát triển khu công nghiệp sau đây không áp dụng các điều kiện về tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 5 nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
+ Điều chỉnh, thay đổi vị trí quy hoạch khu công nghiệp đã nằm trong quy hoạch phát triển khu công nghiệp nhưng không làm tăng diện tích khu công nghiệp đó;
+ Điều chỉnh quy hoạch phát triển khu công nghiệp trên địa bàn nhưng không làm tăng tổng diện tích đất quy hoạch khu công nghiệp của địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
5. Hồ sơ bổ sung khu công nghiệp mới và mở rộng vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp
– Đề án quy hoạch phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm một số nội dung chính như sau:
+ Sự cần thiết và căn cứ pháp lý của việc bổ sung khu công nghiệp, khu công nghiệp mở rộng;
+ Đánh giá tình hình thực hiện và dự kiến phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
+ Đánh giá hiện trạng xây dựng và phát triển các khu công nghiệp đã thành lập và quy hoạch trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đóng góp của các khu công nghiệp vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương;
+ Tên, vị trí, quy mô diện tích, hiện trạng và điều kiện phát triển cụ thể của từng khu công nghiệp đề xuất bổ sung, mở rộng vào quy hoạch;
+ Đánh giá và giải trình về khả năng đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 5 của Nghị định này;
+ Mục tiêu, giải pháp thực hiện quy hoạch; khả năng huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng và phát triển khu công nghiệp;
+ Phương án quy hoạch phát triển khu công nghiệp trên bản đồ quy hoạch.
– Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị bổ sung khu công nghiệp mới, mở rộng vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp.
– Hồ sơ được lập thành 10 bộ, trong đó có ít nhất 02 bộ hồ sơ gốc (01 bộ hồ sơ gốc trình Thủ tướng Chính phủ) và 09 bộ hồ sơ nộp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này.
Tác giả: Luật sư Lê Minh Trường
Trên đây là nội dung bài viết về khu công nghiệp và quy định pháp luật về khu công nghiệp của công ty Luật Minh Khuê. Trân trọng./