Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Danh mục

Định hướng hệ thống đô thị
Phương án phát triển đô thị tỉnh Kiên Giang
* Đô thị trung tâm vùng
* Phương án phát triển các thành phố, thị xã, thị trấn
* Đô thị theo tính chất chức năng tổng hợp
* Đô thị chuyên ngành, đô thị mới cấp huyện
* Đô thị gắn với hoạt động công nghiệp – TTCN, dịch vụ cảng

Định hướng hệ thống đô thị
Định hướng phát triển các đô thị theo tiêu chí đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Chú ý : Độc giả kéo đến cuối bài viết để thấy link Download bản đồ

Tập trung đầu tư phát triển 6 đô thị động lực:TP. Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên, TT. Thứ Ba (H. An Biên), TT. Giồng Riềng (H. Giồng Riềng).

Đô thị trung tâm vùng tỉnh: Xây dựng thành phố Rạch Giá là đô thị loại I, trung tâm vùng tỉnh Kiên Giang và là 1 trong 7 đô thị cấp vùng của vùng ĐBSCL. Có vai trò là trung tâm tiểu vùng ven biển tại khu vực phía Tây sông Hậu; trung tâm dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại tầm quốc gia và quốc tế. Hướng tới tầm nhìn là Đô thị thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đô thị trung tâm các tiểu vùng, đô thị động lực:

Thành phố Hà Tiên: là đô thị cửa khẩu quốc tế, đô thị du lịch biển, là đô thị trọng điểm của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thành phố Phú Quốc: là trung tâm du lịch biển đảo đặc sắc tầm cỡ khu vực Đông Nam Á và quốc tế, là Khu hành chính – kinh tế đặc biệt, có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng.

Thị xã Kiên Lương: là trung tâm công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch cấp tỉnh, gắn kết với TP. Hà Tiên thành vùng phát triển khu kinh tế cửa khẩu – kinh tế biển quy mô lớn trên hành lang kinh tế biển Tây.

Thị trấn Giồng Riềng (huyện Giồng Riềng): là trung tâm huyện lỵ của huyện Giồng Riềng. Là đô thị dịch vụ nông sản, thương mại dịch vụ của tiểu vùng Tây Sông Hậu.

Thị trấn Thứ Ba (huyện An Biên): là đô thị vùng U Minh Thượng. Là trung tâm kinh tế của huyện An Biên, thuộc hành lang kinh tế biển Tây.

Phát triển các đô thị ở huyện đảo Kiên Hải và đô thị Thổ Chu ở huyện đảo Thổ Châu dự kiến tách ra từ TP. Phú Quốc (là huyện đảo tiền tiêu của vùng biển Tây Nam, có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng).

Phương án phát triển đô thị tỉnh Kiên Giang
Đô thị trung tâm vùng
Thành phố Rạch Giá, là đô thị loại I đến năm 2025

Tính chất:

– Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học kỹ thuật và dịch vụ du lịch của tỉnh Kiên Giang.

– Trung tâm kinh tế biển, thương mại dịch vụ tại khu vực ven biển phía Tây của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trung tâm dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại tầm quốc gia và quốc tế, là trung tâm hỗ trợ du lịch cho vùng du lịch trọng điểm quốc gia Phú Quốc – Hà Tiên – Rạch Giá.

– Trung tâm đô thị xanh, phát triển bền vững, đô thị thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu. Đầu mối giao thông hàng không, đường biển, đường bộ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng ASEAN. Có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Ý tưởng và định hướng phát triển không gian:

– Thành phố Rạch Giá cần quy hoạch theo hướng hiện đại, tạo điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan, có sắc thái đặc trưng của đô thị biển và phát triển các không gian xanh đô thị. Nghiên cứu phát triển, mở rộng không gian đô thị về hướng Tây kết nối với Châu Thành, An Biên và về phía Đông Bắc (vùng đô thị Mỹ Lâm – huyện Hòn Đất).

– Quản lý đô thị tinh gọn, hệ thống thông tin quản lý hạ tầng kỹ thuật – dịch vụ được số hóa, liên thông. Xây dựng các hệ thống giám sát, cảnh báo trực tuyến về môi trường,… nâng cao năng lực dự báo, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.

– Khai thác không gian biển, sông Rạch Sỏi, kênh Xáng Mới, Ông Hiển, Tà Niên, Rạch Giá – Hà Tiên, Rạch Giá – Long Xuyên, các công viên cây xanh mặt nước, các khu vực văn hóa bản địa đặc trưng có giá trị cao về văn hóa lịch sử, thành phố trở nên đáng sống hơn, gần gũi hơn và giá trị hơn.

– Phát triển giao thông công cộng, kết nối với các không gian công cộng, đi bộ và công viên cảnh quan.

Phương án phát triển các thành phố, thị xã, thị trấn
Đô thị trung tâm tiểu vùng

a) Thành phố Phú Quốc:

Tính chất:

Là đô thị biển – đảo độc đáo, đặc sắc, hướng tới đạt tiêu chuẩn đô thị loại I.

Là khu kinh tế có vị thế đặc biệt; trung tâm kinh tế du lịch, dịch vụ du lịch sinh thái biển – đảo đặc sắc và có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia, với nhiều giá trị khác biệt, chất lượng cao của quốc gia và quốc tế; trung tâm thương mại, dịch vụ tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao của khu vực và quốc tế.

Là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng, cảng biển và cảng hàng không quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành; trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực.

Có vị trí đặc biệt về an ninh và quốc phòng.

Tầm nhìn: trở thành trung tâm thương mại dịch vụ và du lịch sinh thái biển đảo đẳng cấp quốc tế. Định hướng phát triển khu kinh tế Phú Quốc với tầm nhìn dài hạn, phát triển toàn diện, cân bằng và bền vững; bảo vệ môi trường, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và đảm bảo an ninh, quốc phòng; đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển trong trường hợp hình thành Khu kinh tế đặc biệt và tách xã đảo Thổ Châu (Thổ Chu) thành huyện đảo riêng.

Phát triển thành phố Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo đặc sắc; một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và dịch vụ có bản sắc, chất lượng cao, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế; trung tâm thương mại, dịch vụ và trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao ở tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chính trị – văn hóa; một không gian sống có chất lượng và gắn bó của người dân trên đảo; quản lý phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Mô hình phát triển, cấu trúc không gian đô thị:

– Mô hình phát triển theo cấu trúc chuỗi tập trung, đa trung tâm.

– Cấu trúc không gian theo trục chính Bắc – Nam An Thới – Cầu Trắng, trục giao thông vòng quanh đảo Bãi Vòng – Bãi Thơm – Rạch Tràm – Rạch Vẹm – Gành Dầu – Cửa Cạn – Dương Đông – Bãi Trường – Bãi Khem kết nối cảng biển quốc tế An Thới, Bãi Đất Đỏ, sân bay quốc tế Phú Quốc.

– Cấu trúc các vùng đô thị – du lịch bao gồm: khu đô thị Cửa Cạn, khu đô thị Dương Đông, khu đô thị An Thới; các vùng du lịch sinh thái: Bắc đảo, du lịch sinh thái Nam đảo, du lịch hỗn hợp Bãi Trường – Bãi Vòng; các làng nghề truyền thống.

– Cấu trúc vùng cảnh quan, vùng nông nghiệp, không gian mở: cảnh quan vườn quốc gia, rừng phòng hộ, các công viên chuyên đề và không gian mở. Bảo tồn Vườn quốc gia Phú Quốc, các di tích văn hóa lịch sử, trong đó nổi bật là di tích nhà tù Phú Quốc.

– Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là giao thông công cộng, quản lý nguồn nước bền vững, xử lý nước thải, rác thải, cung cấp điện,…. và bảo vệ môi trường.

Cơ chế chính sách đặc thù cho TP. Phú Quốc: Mô hình chính quyền đô thị đặc thù biển đảo, với 6 nhóm chính sách ưu đãi. Đó là :

  • Chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng nhằm tăng tính kết nối;
  • Quản lý và phát triển nguồn nhân lực;
  • Các ưu đãi liên quan đến tài chính như ưu đãi thuế, chính sách tài chính tiền tệ, tiền lương, hàng hóa xuất nhập khẩu, ưu đãi đất đai và xúc tiến đầu tư;
  • Phát triển lĩnh vực văn hóa xã hội;
  • Bảo đảm an ninh quốc phòng;
  • Đầu tư và hợp tác quốc tế.

b) Thành phố Hà Tiên:

Tính chất:

– Là đô thị cửa khẩu quốc tế, văn hóa, hành chính, khoa học – kỹ thuật, giáo dục – đào tạo và du lịch ven biển; đô thị có truyền thống lịch sử, có di sản văn hóa và di sản thiên nhiên đa dạng về hệ sinh thái.

– Là một cực tăng trưởng phía Tây của tỉnh Kiên Giang, đô thị trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Chức năng:

– Các chức năng của đô thị: Công trình công cộng, thương mại dịch vụ, trung tâm du lịch, vui chơi giải trí, khu ở, thương mại dịch vụ hỗn hợp, công viên cây xanh….

– Khu kinh tế cửa khẩu: Xuất nhập khẩu, logistics, thương mại dịch vụ, hợp tác nông nghiệp quốc tế, khu phi thuế quan, gia công công nghiệp,…

– Các chức năng đặc trưng và tạo lực: Du lịch (du lịch quá cảnh, du lịch văn hóa, di sản, nghỉ dưỡng, du lịch MICE, du lịch sinh thái, tâm linh,…); Dịch vụ phụ trợ, công nghiệp kho vận, bảo quản hàng hóa, chế biến nông lâm thủy sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Mô hình, cấu trúc và hướng phát triển đô thị:

– Phát triển theo mô hình đa trung tâm. Hướng phát triển chủ đạo theo trục Quốc lộ 80, N1 và cao tốc Hà Tiên – Bạc Liêu, tuyến đường thủy dọc theo sông Giang Thành, kênh Vĩnh Tế, kênh Hà Tiên – Rạch Giá, tuyến đường vành đai kết nối cửa khẩu quốc tế Hà Tiên với vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL cùng các tuyến đường vượt biển phía Nam và phía Bắc Hà Tiên kết nối các quần đảo nhân tạo, cảng biển, các khu đô thị hiện hữu và phụ cận.

– Cấu trúc đô thị được hình thành trên 5 chiến lược chủ đạo gồm: phát triển đô thị di sản, đô thị cửa khẩu, đô thị trên nước, đô thị
chuyên đề và đô thị cộng đồng. Các khu vực đô thị xen cài với các không gian xanh, các khu vực tạo việc làm, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, khoa học và đào tạo, bảo tồn và phát huy giá trị của 3 di sản cốt lõi gồm Hà Tiên thập cảnh; quần đảo Hải Tặc; Khu bảo tồn sinh quyển đầm Đông Hồ, hướng tới phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, biến động về kinh tế và các tác nhân khác với giới hạn tăng trưởng hợp lý.

c) Thị xã Kiên Lương:

Phạm vi toàn đô thị:

Đến năm 2025: Toàn huyện Kiên Lương đạt tiêu chí đô thị loại III, hình thành thị xã Kiên Lương. Diện tích tự nhiên là 473,29 km2.
Dự kiến: Phạm vi khu vực phát triển đô thị bao gồm thị trấn Kiên Lương và các xã trong đất liền; vùng ngoại thị gồm 2 xã đảo Sơn Hải và Hòn Nghệ.
Tính chất:

Là trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch sinh thái biển phía Tây Bắc của tỉnh, gắn kết với TP. Hà Tiên thành vùng phát triển khu kinh tế cửa khẩu – kinh tế biển quy mô lớn trên hành lang kinh tế biển Tây.
Có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Mô hình và cấu trúc đô thị:

– Mô hình phát triển đô thị theo tuyến và chuỗi: Phát triển đô thị dọc theo các hành lang đô thị hóa, các
tuyến giao thông chính: quốc lộ 80, ĐT.971, đường ven biển Rạch Giá – Kiên Lương – Hà Tiên.

– Đô thị phát triển hướng ra biển, gắn với vùng bảo tồn cảnh quan ven biển, cảnh quan núi, vùng sinh
thái nông nghiệp và hải đảo.

– Không gian đô thị: hạt nhân là Kiên Lương kết nối với khu đô thị Kiên Bình, Dương Hòa, Bình An, Bình
Trị.

d) Thị trấn Thứ Ba: là đô thị loại IV đến năm 2025

Tính chất:

Là trung tâm huyện lỵ của huyện An Biên, thuộc hành lang kinh tế biển Tây. Là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của huyện.
Là trung tâm thương mại, dịch vụ – du lịch. Định hướng không gian phát triển đô thị:
Không gian phát triển đô thị gắn với trục hành lang kinh tế chủ đạo là tuyến Quốc lộ 63 và đường trục xuyên Á phía Nam (hành lang ven biển phía Nam), ĐT.966, kết nối với TP. Rạch Giá, thị trấn Minh Lương, đô thị Tắc Cận (huyện Châu Thành), thị trấn Thứ Mười Một (huyện An Minh) theo trục quốc lộ 63, 61.
Phát triển đô thị gắn với không gian cảnh quan dọc kênh xáng Xẻo Rô (Tân Bằng – Cán Gáo), vùng sản xuất nông nghiệp.
e) Thị trấn Giồng Riềng: là đô thị loại IV đến năm 2025

Tính chất:

– Là trung tâm huyện lỵ của huyện Giồng Riềng. Là đô thị dịch vụ nông sản, thương mại dịch vụ của tiểu vùng Tây Sông Hậu.
Định hướng không gian phát triển đô thị:

– Đô thị phát triển dọc theo đường ĐT.963 và đường huyện là trục chính đô thị, kết nối với thị trấn Giồng Riềng và
TP. Vị Thanh.

– Phát triển đô thị gắn với không gian cảnh quan dọc sông Giồng Riềng, kênh Giồng Riềng – Bến Nhứt, Thốt Nốt,
Lộ Mới. Chỉnh trang kiến trúc cảnh quan các khu vực ven bờ sông, kênh, khai thác đặc trưng “trên bến dưới thuyền”.

– Phát triển các tuyến phố, hoạt động phố đêm gắn kết thương mại – dịch vụ và du lịch văn hóa – tín ngưỡng, tạo không gian sầm uất cho đô thị.

Bến tàu khách, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Đô thị theo tính chất chức năng tổng hợp
a) Đô thị Thổ Chu: là đô thị loại V đến năm 2025

Tính chất:

Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của huyện Thổ Châu dự kiến tách ra từ thành phố Phú Quốc (sau năm 2025).
Có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng của vùng biển Tây Nam bộ.
Định hướng không gian phát triển đô thị:

Đô thị phát triển tập trung ở phía Đông và phía Tây đảo Thổ Chu.
Phát triển du lịch ở bãi Ngự, bãi Dong, bãi Mun và bãi Nhất, tham quan các hòn đảo.
b) Thị trấn Hòn Đất: là đô thị loại IV đến năm 2030

Tính chất: Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của huyện Hòn Đất, đô thị dịch vụ nông sản.

Định hướng không gian phát triển đô thị:

Đô thị phát triển dọc theo quốc lộ 80, đường ĐT. 969 kết nối với cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá, TP. Rạch Giá và TX. Kiên Lương, TP. Hà Tiên.
Phát triển đô thị gắn với không gian cảnh quan dọc kênh Rạch Giá – Hà Tiên.
c) Thị trấn Tân Hiệp: là đô thị loại IV đến năm 2025

Tính chất:

Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của huyện Tân Hiệp.
Là đô thị thương mại dịch vụ, trung tâm thương mại dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phục vụ xuất khẩu, là đô thị cửa ngõ phía Đông của tỉnh.
Định hướng không gian phát triển đô thị:

Đô thị phát triển dọc theo quốc lộ 80, đường ĐH. Tân Thành, ĐH. Thạnh Đông B kết nối với TP. Rạch Giá và thị trấn Vĩnh Thạnh (TP. Cần Thơ).
Mở rộng không gian đô thị về phía Tây Nam và Đông Nam, gắn với không gian cảnh quan dọc kênh Cái Sắn, cải tạo chỉnh trang các khu chức năng hiện hữu, xây dựng các khu dân cư mới tại khu vực đô thị mở rộng với các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ.
d) Thị trấn Minh Lương: là đô thị loại IV đến năm 2025

Tính chất:

Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của huyện Châu Thành.
Là trung tâm thương mại dịch vụ, kinh tế, văn hóa có vai trò hạt nhân phát triển vùng Tây sông Hậu, là đô thị công nghiệp thương mại dịch vụ và đào tạo.
Định hướng không gian phát triển đô thị:

Đô thị phát triển dọc theo quốc lộ 61, 63, kết nối với TP. Rạch Giá và thị trấn Vĩnh Thạnh (TP. Cần Thơ).
Mở rộng không gian đô thị về phía Bắc và phía Nam trục quốc lộ 61, gắn với không gian cảnh quan dọc kênh rạch, cải tạo chỉnh trang các khu chức năng hiện hữu, xây dựng các khu dân cư mới tại khu vực đô thị mở rộng với các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ.
e) Thị trấn Gò Quao: là đô thị loại IV đến năm 2030

Tính chất:

Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế, du lịch, khoa học và công nghệ.
Đầu mối giao thông của huyện Gò Quao, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện.
Định hướng không gian phát triển đô thị:

– Đô thị phát triển dọc theo đường ĐT.962 và đường ĐH.54 (đường Thủy Liễu), đường Ven sông Cái Lớn (Thới Quản – Thủy Liễu – Thị trấn Gò Quao) là trục chính đô thị, kết nối với thị trấn Minh Lương, Giồng Riềng, đô thị Tắc Cậu và TP. Vị Thanh, TP. Bạc Liêu.

– Khu trung tâm hành chính hiện hữu chỉnh trang tạo bộ mặt khang trang cho đô thị. Chỉnh trang các tuyến dân cư dọc theo các đường liên huyện. Hình thành các khu đô thị mới phát triển song song với dân cư hiện hữu dọc quốc lộ.

– Phát triển đô thị gắn với không gian cảnh quan dọc sông Cái Lớn, kênh Xáng Mương Lộ, kênh Mương Lộ, vùng sản xuất nông nghiệp.

f) Thị trấn Thứ Mười Một: là đô thị loại IV đến năm 2030

Tính chất: Là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa của huyện An Minh thuộc hành lang kinh tế ven biển.

Định hướng không gian phát triển đô thị:

– Đô thị phát triển dọc theo đường ĐT.967, ĐT.965B, đường trục xuyên Á phía Nam kết nối với thị trấn Thứ Ba, thị trấn Thứ Bảy và TP. Cà Mau.

– Phát triển đô thị gắn với không gian cảnh quan dọc kênh xáng Xẻo Rô, vùng sản xuất nông nghiệp.

g) Thị trấn Vĩnh Thuận: là đô thị loại IV đến năm 2030

Tính chất: Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của huyện Vĩnh Thuận.

Định hướng không gian phát triển đô thị:

Đô thị phát triển dọc theo quốc lộ 63, đường ĐH. Phong Đông, ĐH. Vĩnh Phong kết nối với thị trấn U Minh Thượng, đô thị Bình Minh.
Phát triển đô thị gắn với không gian cảnh quan dọc kênh xáng Chắc Băng, vùng sản xuất nông nghiệp.
h) Đô thị Hòn Tre:

Tính chất:

Là trung tâm kinh tế phía Đông Bắc của huyện Kiên Hải, là đô thị dịch vụ du lịch.
Có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.
Định hướng không gian phát triển đô thị:

– Đô thị phát triển tập trung ở phía Đông, phát triển du lịch ở bãi Chén, Động Dừa,… gắn kết với không gian du lịch TP. Rạch Giá.

i) Đô thị U Minh Thượng: là đô thị loại V đến năm 2025

Tính chất: Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của huyện U Minh Thượng.

Định hướng không gian phát triển đô thị:

Đô thị phát triển dọc theo quốc lộ 63, đường ĐT.965 kết nối với đô thị Nhà Ngang và thị trấn Vĩnh Thuận, đô thị Bình Minh (huyện Vĩnh Thuận), đô thị Thứ Bảy (huyện An Minh).
Phát triển đô thị gắn với không gian cảnh quan dọc kênh Hậu 2-3, kênh Xẻo Cạn, vùng sản xuất nông nghiệp.
k) Đô thị Tân Khánh Hòa: là đô thị loại V đến năm 2025, đô thị loại IV đến năm 2050.

Tính chất:

Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đầu mối giao thông của huyện Giang Thành.
Là đô thị thương mại, cửa khẩu Quốc gia Giang Thành.
Định hướng không gian phát triển đô thị:

Đô thị phát triển dọc theo quốc lộ N1, đường ĐH. Tân Khánh Hòa kết nối với TP. Hà Tiên, TX. Kiên Lương và cửa khẩu Ton Hon, huyện Kampong Trach, tỉnh Kampot, Campuchia.
Phát triển đô thị gắn với không gian cảnh quan dọc kênh Hà Giang, Vĩnh Tế, vùng sản xuất nông nghiệp.
Đô thị chuyên ngành, đô thị mới cấp huyện
a) Thị trấn Sóc Sơn: là đô thị loại IV đến năm 2030

Tính chất: Là trung tâm kinh tế phía Tây Nam của huyện Hòn Đất.

Định hướng không gian phát triển đô thị:

Đô thị phát triển dọc theo quốc lộ 80 kết nối với cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá, TP. Rạch Giá và thị trấn Hòn Đất, đô thị Kiên Lương, TP. Hà Tiên.
Phát triển đô thị gắn với không gian cảnh quan dọc kênh Rạch Giá – Hà Tiên.
b) Đô thị Mỹ Lâm: là đô thị loại V đến năm 2030

Tính chất: Là trung tâm kinh tế phía Đông Nam huyện, đô thị thương mại dịch vụ.

Định hướng không gian phát triển đô thị:

Đô thị phát triển dọc theo quốc lộ 80, kết nối với TP. Rạch Giá và thị trấn Sóc Sơn, thị trấn Hòn Đất.
Phát triển đô thị gắn với không gian cảnh quan kênh Rạch Giá – Hà Tiên.
c) Đô thị Thạnh Đông A:

* Tính chất: Là đô thị vệ tinh của thị trấn Tân Hiệp, đô thị thương mại dịch vụ.

* Định hướng không gian phát triển đô thị:

Đô thị phát triển dọc theo quốc lộ 80 kết nối với TP. Rạch Giá và thị trấn Tân Hiệp.
Phát triển đô thị gắn với không gian cảnh quan dọc theo kênh Cái Sắn về phía Tây Nam và Đông Nam.
d) Đô thị Cây Dương:

* Tính chất: Là trung tâm kinh tế khu vực phía Bắc của huyện, đô thị thương mại dịch vụ.

* Định hướng không gian phát triển đô thị:

Đô thị phát triển dọc theo đường ĐT.961 kết nối với TP. Rạch Giá và thị trấn Tân Hiệp.
Phát triển đô thị dọc kênh Rạch Giá – Long Xuyên về phía Tây Bắc và Tây Nam.
e) Đô thị Thạnh Đông:

* Tính chất: Là trung tâm kinh tế khu vực phía Nam của huyện, đô thị thương mại dịch vụ.

* Động lực phát triển: Phát triển thương mại dịch vụ trên trục đường huyện Trâm Bầu, Thạnh Đông.

* Định hướng không gian phát triển đô thị: Phát triển đô thị dọc kênh Trâm Bầu về phía Đông Bắc và Tây Nam, kết nối với thị trấn Tân Hiệp, thị trấn Giồng Riềng và thị trấn Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ).

g) Đô thị Thuận Hưng:

* Tính chất:

Là trung tâm kinh tế, thương mại dịch vụ thuộc huyện Giồng Riềng.
Là một cực tăng trưởng, đô thị cửa ngõ phía Đông Nam của huyện.
* Động lực phát triển:

– Đầu mối giao thương thủy – bộ với các khu vực phía Đông của tỉnh An Giang như Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu,… Phát triển thương mại dịch vụ, kinh doanh nông sản trên trục đường ĐT.963.

– Phát triển đô thị gắn với không gian cảnh quan dọc kênh xáng Xẻo Rô, vùng sản xuất nông nghiệp.

l) Đô thị Nam Yên:

* Tính chất: Là trung tâm dịch vụ hậu cần ngành thủy sản và du lịch sinh thái.

* Định hướng không gian phát triển đô thị:

Không gian phát triển đô thị theo các trục hành lang chủ đạo là đường ĐT. 964, ĐT.966 (ĐH. Nam Yên nâng cấp, nối dài) và đường ven biển phía Nam.
Phát triển dịch vụ ngành nông nghiệp, dịch vụ hậu cần đánh bắt thủy sản, vùng nuôi thủy sản, gắn với cụm công nghiệp Nam Yên quy mô khoảng 50-70 ha (chủ yếu là công nghiệp chế biến).
Không gian cảnh quan ven biển và dọc kênh Thứ Hai, Thứ Ba.
m) Đô thị Đông Yên:

* Tính chất: Là trung tâm thương mại dịch vụ phía Đông của huyện.

* Định hướng không gian phát triển đô thị:

Không gian phát triển đô thị theo trục hành lang chủ đạo là đường ĐT.966 (ĐH. Nam Yên nâng cấp, nối dài), kết nối với thị trấn Thứ Ba, thị trấn Vĩnh Thuận.
Phát triển đô thị gắn với không gian cảnh quan dọc kênh Ngang Xã, kênh Đầu Ngàn, vùng sản xuất nông nghiệp.
n) Đô thị Bình Minh:

* Tính chất: Là trung tâm thương mại dịch vụ phía Bắc của huyện Vĩnh Thuận.

* Định hướng không gian phát triển đô thị:

Đô thị phát triển dọc theo quốc lộ 63, đường ĐH. Phong Đông, ĐH. Vĩnh Phong kết nối với thị trấn U Minh Thượng, đô thị Nhà Ngang.
Phát triển đô thị gắn với không gian cảnh quan dọc sông Cạnh Đền, kênh xáng Chắc Băng, kênh Làng thứ 7, vùng sản xuất nông nghiệp
o) Đô thị Vĩnh Bình Bắc:

* Tính chất: Là trung tâm thương mại dịch vụ phía Bắc của huyện Vĩnh Thuận.

* Định hướng không gian phát triển đô thị:

Khai thác lợi thế từ tuyến đường tỉnh dự kiến liên kết với quốc lộ 63, tuyến sông Cái Bé.
Phát triển đô thị gắn với thương mại dịch vụ, nông nghiệp chuyên canh, vận tải, chế biến nông sản.
p) Đô thị Vĩnh Bình Nam:

* Tính chất: Là trung tâm thương mại dịch vụ phía Bắc của huyện Vĩnh Thuận.

* Định hướng không gian phát triển đô thị:

Khai thác lợi thế từ tuyến đường tỉnh dự kiến liên kết với quốc lộ 63 và thị trấn Vĩnh Thuận.
Phát triển đô thị gắn với thương mại dịch vụ, nông nghiệp chuyên canh, vận tải, chế biến nông sản.
q) Đô thị Vĩnh Phong:

* Tính chất: Là đô thị vệ tinh của thị trấn Vĩnh Thuận, là cực phát triển phía Nam của huyện Vĩnh Thuận.

* Định hướng không gian phát triển đô thị:

Khai thác lợi thế từ giao thông thủy – bộ (kênh Chắc Băng, sông Cái Bé, đường Hồ Chí Minh).
Phát triển đô thị gắn với thương mại dịch vụ, CCN Vĩnh Phong, chế biến nông sản.
s) Đô thị Nam Du:

* Tính chất:

Là đô thị dịch vụ du lịch của huyện Kiên Hải.
Có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.
* Động lực phát triển đô thị:

Phát triển du lịch sinh thái biển, đảo, du lịch nghỉ dưỡng, thể thao biển, lặn ngắm san hô, văn hóa ẩm thực, du lịch cộng đồng, tham quan làng nghề cá bè,…
Khai thác và chế biến thủy sản.
Các dự án tạo động lực như: dự án lấn biển Hòn Ngang, xã Nam Du, dự án lấn biển Cảng cá Nam Du, dự án bến cảng tổng hợp Nam Du, khu neo đậu tránh trú bão.
* Định hướng không gian phát triển đô thị: Đô thị phát triển tập trung ở phía Đông và phía Tây, các khu du lịch tập trung ở Hòn Mấu, Hòn Ngang (Bãi Bấc).

t) Đô thị Nhà Ngang:

* Tính chất: Là trung tâm thương mại dịch vụ phía Đông Bắc của huyện.

* Động lực phát triển đô thị:

– Phát triển thương mại dịch vụ trên trục đường ĐH. Hòa Chánh, du lịch nhà vườn, du lịch sinh thái gắn kết với vùng du lịch U Minh Thượng và phụ cận.

– Các dự án tạo động lực như nâng cấp, chỉnh trang mở rộng chợ xã Hòa Chánh, đường ven sông Cái Lớn – rạch Cái Tàu.

* Định hướng không gian phát triển đô thị:

– Đô thị phát triển dọc theo đường ĐH. Hòa Chánh, đường ven sông Cái Lớn – rạch Cái Tàu kết nối với đô thị U Minh Thượng (huyện U Minh Thượng) và thị trấn Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thuận).

– Phát triển đô thị gắn với không gian cảnh quan dọc rạch Cái Tàu, kênh Xáng, vùng sản xuất nông nghiệp.

u) Đô thị Vĩnh Phú:

* Tính chất: Là đô thị thương mại dịch vụ phía Nam của huyện.

* Động lực phát triển đô thị:

Phát triển thương mại dịch vụ trên trục đường ĐT.970B, ĐT.963.
Phát triển du lịch sinh thái nhà vườn, du lịch cộng đồng.
* Định hướng không gian phát triển đô thị:

Đô thị phát triển dọc theo trục đường ĐT.970B, ĐT.963 kết nối với TX. Kiên Lương, ĐT. Tân Khánh Hòa và trục quốc lộ N1 hướng đi An Giang.
Phát triển đô thị gắn với không gian cảnh quan dọc kênh K1, vùng sản xuất nông nghiệp.
v) Đô thị Lại Sơn:

* Tính chất:

Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của huyện Kiên Hải.
Là khu du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng của tỉnh.
Có ý nghĩa quan trọng về an ninh quốc phòng.
* Định hướng không gian phát triển đô thị:

Đô thị phát triển tập trung ở phía Nam và phía Bắc.
Các dự án khu du lịch, resort tập trung ở Bãi Xếp, Bãi Bàng, Bãi Bấc, khu vực chân núi đỉnh Ma Thiên Lãnh, đỉnh Đề Thơ.
Đô thị gắn với hoạt động công nghiệp – TTCN, dịch vụ cảng
a) Đô thị Thổ Sơn:

* Tính chất:

Là trung tâm kinh tế phía Tây Nam của huyện Hòn Đất.
Là đô thị công nghiệp, trung tâm du lịch văn hóa, tâm linh của tỉnh.
* Định hướng không gian phát triển đô thị:

Đô thị phát triển dọc theo đường ĐT.969, ĐT.969B, đường ven biển Hòn Đất – Kiên Lương kết nối với TP. Rạch Giá và thị trấn Hòn Đất, đô thị Kiên Lương, TP. Hà Tiên.
Phát triển đô thị gắn với Khu di tích lịch sử Ba Hòn, không gian cảnh quan ven biển và kênh 11.
b) Đô thị Tắc Cậu:

* Tính chất:

Là đô thị mới loại V, đô thị công nghiệp, trung tâm kinh tế, thương mại dịch vụ.
Có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của huyện Châu Thành.
* Định hướng không gian phát triển đô thị:

Đô thị phát triển dọc theo quốc lộ 63, đường hành lang ven biển phía Nam kết nối với TP. Rạch Giá và thị trấn Minh Lương, đô thị Hưng Yên (huyện An Biên).
Phát triển đô thị gắn với không gian cảnh quan dọc theo sông Cái Bé.
c) Đô thị Long Thạnh:

* Tính chất: Là trung tâm kinh tế, công nghiệp chế biến, vận tải hàng hóa phía Tây huyện Giồng Riềng.

* Định hướng không gian phát triển đô thị:

Đô thị phát triển dọc theo quốc lộ 61 và đường ĐT.963B. Phát triển cụm công nghiệp Long Thạnh, dịch vụ vận tải hàng hóa với lợi thế từ quốc lộ 61 và cao tốc Hà Tiên – Bạc Liêu.
Phát triển đô thị gắn với không gian cảnh quan dọc sông Cái Bé, kênh Giồng Riềng – Bến Nhứt.
d) Đô thị Vĩnh Hòa Hưng Nam:

* Tính chất: Là trung tâm kinh tế khu vực phía Đông của huyện Gò Quao, đô thị công nghiệp, thương mại dịch vụ.

* Định hướng không gian phát triển đô thị:

Đô thị phát triển dọc theo quốc lộ 61, đường Ven sông Cái Lớn (Thới Quản – Thủy Liễu – thị trấn Gò Quao) là trục chính đô thị, kết nối với TP. Vị Thanh, thị trấn Gò Quao, đô thị mới Định An.
Phát triển đô thị gắn với không gian cảnh quan dọc sông Cái Lớn, sông Ba Voi; phát triển thương mại dịch vụ và du lịch sinh thái vườn.
e) Đô thị Hưng Yên:

* Tính chất: Là trung tâm đô thị – công nghiệp – dịch vụ, là cực tăng trưởng phía Đông Bắc của huyện An Biên.

* Định hướng không gian phát triển đô thị:

Hình thành mới các khu đô thị – dịch vụ dọc theo quốc lộ 63, đường Ven sông Cái Lớn gắn với khu vực hiện hữu, phục vụ khu công nghiệp Xẻo Rô, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá quy mô khoảng 200ha (xã Tây Yên A).
Phát triển đô thị gắn với không gian cảnh quan dọc sông Cái Lớn, kênh xáng Xẻo Rô (Tân Bằng – Cán Gáo).
f) Đô thị Xẻo Nhàu:

* Tính chất: Là trung tâm kinh tế phía Tây của huyện An Minh, là đô thị công nghiệp, thương mại dịch vụ.

* Định hướng không gian phát triển đô thị:

Đô thị phát triển dọc theo đường ĐT.968, đường ven biển phía Nam kết nối với thị trấn Thứ Mười Một, đô thị Nam Yên (huyện An Biên).
Phát triển đô thị gắn với cảnh quan biển và kênh Xẻo Nhàu.
g) Đô thị An Sơn:

* Tính chất:

Là trung tâm kinh tế, đô thị dịch vụ cảng phía Tây của huyện Kiên Hải.
Là khu du lịch khám phá, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao của tỉnh.
Có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.
* Định hướng không gian phát triển đô thị: Đô thị phát triển tập trung ở phía Đông và phía Tây hòn Lớn, các khu du lịch tập trung ở bãi Đất Đỏ, bãi Cây Mến, bãi Ngự, bãi Giếng,… gắn kết với không gian vùng biển An Biên, An Minh và Thổ Châu.

link Download bản đồ 

rongdat.net_BĐQHĐT_Kien_Giang_2050

rongdat.net_QHĐT_Kiên_Giang_2030

rongdat.net_QHĐT_Kien_Giang_2025

 


Bài viết không được phép copy.